ESG - Xu hướng đầu tư hiện nay

ESG - Xu hướng đầu tư hiện nay

1. ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp (DN) đến cộng đồng. DN có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.

2. Tính an toàn và phát triển bền vững đang trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh của mình. Các chỉ số ESG là yếu tố quan trọng thể hiện toàn cảnh bức tranh về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và báo cáo ESG được tích hợp vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sẽ truyền tải thông điệp doanh nghiệp đang thực hiện các bước đi cần thiết để phát triển bền vững và sinh lời trong dài hạn. Các bên liên quan của doanh nghiệp bao gồm các nhà đầu tư tài chính như các cổ đông, các định chế tài chính như ngân hàng, các đối tác kinh doanh nằm trong chuỗi sản xuất và cung ứng, người tiêu dùng, cộng đồng xã hội,… sẽ nhìn vào chỉ số và báo cáo ESG để thể hiện thái độ và có những quyết định về hành vi đối với doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp.

3. Người tiêu dùng không chỉ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường mà còn quan tâm cả chính sách của doanh nghiệp đối với người lao động và cộng đồng. Ngày nay, người tiêu dùng trong xã hội hiện đại đặt ra những yêu cầu về chất lượng, giá thành sản phẩm, đồng thời còn đòi hỏi tính bền vững và thân thiện với môi trường trong từng sản phẩm. Trong một báo cáo ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới “Tương lai tiêu dùng trong những thị trường tăng trưởng nhanh: ASEAN” được công bố vào tháng 6/2020 cho thấy 80% người tiêu dùng ở khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường. Số liệu mới nhất từ báo cáo Trust Barometer của Edelman cho thấy cách doanh nghiệp đối xử nhân viên, nhà cung cấp đã và đang ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, 1/3 người tiêu dùng đã ngừng sử dụng một nhãn hiệu mà họ nhận thấy không hành xử thích hợp trước khủng hoảng; 71% nói rằng nếu họ cảm nhận một nhãn hiệu đặt lợi nhuận lên trên con người thì sẽ không bao giờ tin nhãn hiệu đó nữa.

4. Ngoại trừ các công ty đại chúng và niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam bắt buộc phải công bố báo cáo ESG hằng năm, các doanh nghiệp khác còn chưa bắt buộc phải công bố báo cáo ESG vẫn có những hoạt động kinh doanh hướng đến phát triển bền vững ở những cấp độ khác nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng như ngành hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống từng bước thực hiện phát triển bền vững như sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, quan tâm đến phát triển kinh tế địa phương, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng và đặc biệt tập trung vào sản suất sản phẩm xanh và sản phẩm được gắn nhãn xanh bởi tổ chức uy tín trong nước. Trong đó, sản phẩm xanh là sản phẩm đáp ứng 4 tiêu chí, gồm: sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn cho môi trường và sức khỏe thay thế sản phẩm độc hại, sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì và sản phẩm tạo ra một môi trường thân thiện và an toàn đối với sức khoẻ).

5. Yếu tố ESG của một doanh nghiệp đang ngày càng được cân nhắc đưa vào quyết định phân tích đầu tư ở thị trường Việt Nam, với mục đích cung cấp góc nhìn rộng hơn về rủi ro và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một công ty. Bên cạnh đó, thực hành ESG là một trong những điểm cộng giúp một công ty có ưu thế trong việc thu hút vốn đầu tư lớn từ nước ngoài với những ưu đãi về lãi vay và các điều khoản khác như nguồn vay từ Asian Development Bank (ADB) hoặc phát hành trái phiếu xanh (Green bond).

Trong bối cảnh căng thẳng vì lạm phát hiện nay, việc thu hút được nguồn vốn rẻ là một lợi thế giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Những biến động thất thường trên thị trường chứng khoán hiện nay đã khiến nhiều nhà đầu tư nhìn nhận lại chiến lược đầu tư. Xu hướng đầu tư vào doanh nghiệp có nền tảng quản trị tốt, trách nhiệm với môi trường, xã hội với mục tiêu phát triển bền vững được dự báo sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới.

#ESG #phattrienbenvung #baovemoitruong #ganketnhansu #tuanthuphapluat #oCFO #giaiphaptaichinh

(Nguồn: tổng hợp từ Internet)

đăng ký nhận tin chat FB chat zalo Gọi điện Gọi điện