Dược phẩm là một trong những ngành hiếm hoi mà doanh nghiệp trong ngành đạt lợi nhuận tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2023.
Mặc dù "trước đây người ta mua thuốc uống cho 3 ngày, giờ chỉ mua 1 ngày", nhờ vào việc quản lý tốt chi phí, giá NVL ổn định, các chính sách mới của Bộ y tế (NĐ 07 và NQ 30) nên biên LN ngành dược tăng trưởng mạnh.
Ngành dược phẩm Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đáng kể của các nhà đầu tư nước ngoài trong 10 năm qua. Tính đến năm 2022, đã có hơn 16 thương vụ M&A được thực hiện, mỗi thương vụ đều được định giá ở mức cao so với ngành khác và hầu hết các nhà đầu tư chiến lược thường mua trên 25 - 50% cổ phần của công ty. Hiện tại, hầu hết các công ty dược phẩm hàng đầu của Việt Nam đã được mua lại, chỉ còn rất ít lựa chọn trên thị trường. Cũng cần lưu ý rằng việc xây dựng mới hoàn toàn một công ty dược phẩm có thể mất tới 10 năm hoặc lâu hơn để hoàn thành, phát triển mạng lưới phân phối, R&D và trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường, do đó M&A là một cơ hội tốt để doanh nghiệp mở rộng sản xuất.
Hoạt động đấu thầu thuốc tại bệnh viện của Việt Nam hiện tuân thủ theo Thông tư 15/2019/TT-BYT, trong đó chính phủ chia các nhà thầu thuốc thành 6 nhóm chính với các yêu cầu đầu vào tối thiểu khác nhau. Thuốc có chất lượng cao nhất sẽ đấu thầu ở Nhóm 1 trong khi thuốc có chất lượng thấp hơn sẽ đấu thầu ở nhóm thấp hơn với quy mô hợp đồng nhỏ hơn.
Nhu cầu về thực phẩm chức năng cũng tăng lên đáng kể, cụ thể, tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam sử dụng thực phẩm chức năng tăng từ 6% trong năm 2010 lên khoảng 29% trong năm 2020 theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF). Xu hướng hiện nay các công ty Dược đang tập trung phát triển thêm nhiều sản phẩm thuộc dòng TPCN (CHC - Consumer Healthcare) để đa dạng hóa thu nhập, đáp ứng xu hướng "phòng bệnh hơn chữa bệnh"
Nguồn: Ssi, Bvsc, CIIC tổng hợp từ khảo sát thực tế ngành