Vì sao Doanh nghiệp cần thành lập hội đồng quản trị?
Doanh nghiệp thường bắt đầu với đội ngũ sáng lập nhỏ gọn, nhưng khi lớn dần lên, thì việc thành lập hội đồng quản trị là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết.
Hội đồng quản trị (board of directors - BOD) trong Doanh nghiệp được hiểu là một nhóm người nhận ủy thác từ cổ đông Doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ lợi ích của cổ đông và luôn chắc chắn rằng công ty sẽ tồn tại, phát triển.
Để đạt được mục tiêu này, hội đồng quản trị của Doanh nghiệp cần đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, như xây dựng cấu trúc tài chính, tầm nhìn, chiến lược phát triển; tận dụng các mối quan hệ để kết nối, thuyết phục khách hàng, đối tác, nhà đầu tư; dàn xếp khi có những mâu thuẫn lớn về lợi ích tài chính giữa các đồng sáng lập, nhà đầu tư...
Ở quy mô nhỏ, hội đồng quản trị bao gồm 3 thành viên, rồi tăng dần lên 5, 7, 9 thành viên; trong đó, có một người được gọi là chủ tịch hội đồng quản trị (chairman, chair, lead directors). Trong nhiều trường hợp, vị trí này thuộc về người sáng lập nắm giữ cổ phần lớn nhất (kiêm giám đốc điều hành - CEO).
Tuy nhiên, khi Doanh nghiệp định hình rõ hơn qua các vòng gọi vốn, hai vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và CEO sẽ được tách biệt. Vị trí chủ tịch dành cho một thành viên đến từ quỹ đầu tư, còn nhà sáng lập làm CEO. Vai trò của chủ tịch là định hướng, hỗ trợ để CEO hoàn thành tốt công việc vận hành Doanh nghiệp.
Trong quá trình phát triển, việc thành lập hội đồng quản trị sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Doanh nghiệp, nếu tính đến chiến lược, định hướng dài hạn. Đội ngũ sáng lập và CEO có thể rất am hiểu về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình, nhưng không phải ai cũng có khả năng nhìn nhận toàn diện và lâu dài về chiến lược phát triển doanh nghiệp. Hội đồng quản trị, với những thành viên giàu kinh nghiệm, sẽ hỗ trợ đắc lực cho Doanh nghiệp, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn hoặc khi công ty phải đối mặt với sự thay đổi lớn về thị trường hoặc công nghệ.
Ngoài ra, Doanh nghiệp sẽ gia tăng cơ hội huy động vốn từ nhà đầu tư nếu có thêm hội đồng quản trị. Sự hiện diện của hội đồng quản trị, với các thành viên là những người có uy tín trong ngành hoặc các chuyên gia tài chính, tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư tiềm năng. Những thành viên trong hội đồng quản trị, dựa trên kinh nghiệm và các mối quan hệ chiến lược của mình, cũng giúp Doanh nghiệp gọi vốn thành công.
Dù không trực tiếp tham gia điều hành, nhưng sự xuất hiện của hội đồng quản trị là nhân tố tích cực cho quá trình quản lý và điều hành doanh nghiệp. Với nhiều năm kinh nghiệm khởi nghiệp trước đó hoặc kinh nghiệm trong phát triển tổ chức, hội đồng quản trị hỗ trợ Doanh nghiệp xây dựng các quy trình quản lý, tối ưu hóa hoạt động và phát triển một cách có hệ thống hơn. Họ cũng góp phần hỗ trợ Doanh nghiệp định hình văn hóa tổ chức, xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng và đưa ra những quyết định nhân sự quan trọng.
Một điểm đặc biệt quan trọng là, sự hiện diện của hội đồng quản trị sẽ làm giảm thiểu xung đột giữa nội bộ Doanh nghiệp, giúp Doanh nghiệp đưa ra quyết định khách quan. Vì mục đích thành lập của hội đồng quản trị là đảm bảo lợi ích chung cho các cổ đông và toàn công ty, nên những lời khuyên, đánh giá và quyết định do thành viên hội đồng đưa ra sẽ dựa trên lợi ích chung của công ty, thay vì các lợi ích cá nhân hay nhóm. Điều này giúp giảm thiểu căng thẳng và xung đột nội bộ, tạo ra một môi trường làm việc ổn định, hợp tác trong Doanh nghiệp.
Cân nhắc kỹ khi chọn người vào hội đồng quản trị
Lựa chọn thành viên vào hội đồng quản trị không đơn giản là việc bổ sung nhân sự. Các thành viên hội đồng quản trị có vai trò rất quan trọng, tác động mạnh đến sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất khi chọn người vào hội đồng quản trị là người đó phải có kinh nghiệm sâu rộng trong ngành nghề mà Doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, các thành viên trong hội đồng quản trị nên có kiến thức về công nghệ, thị trường và xu hướng phát triển của ngành này trong tương lai. Nếu Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng, thành viên hội đồng quản trị cần có khả năng hiểu biết về nhu cầu khách hàng và các chiến lược marketing hiệu quả.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là mạng lưới quan hệ mà các thành viên trong hội đồng quản trị có thể mang lại cho Doanh nghiệp. Những người có quan hệ rộng rãi trong ngành sẽ giúp Doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn, mở rộng thị trường, hợp tác với các bên.
Bên cạnh chuyên môn và mối quan hệ, người được chọn vào hội đồng quản trị cần sở hữu tầm nhìn dài hạn và đạo đức nghề nghiệp vững vàng. Đạo đức là yếu tố để Doanh nghiệp ra quyết định đúng đắn trong những tình huống thử thách, còn tầm nhìn chiến lược giúp các thành viên hội đồng quản trị không bị cuốn theo xu hướng ngắn hạn, mà tập trung vào mục tiêu lâu dài.
Một số Doanh nghiệp, trong quá trình tìm kiếm những người giàu kinh nghiệm để bổ sung vào hội đồng quản trị, thường bị choáng ngợp trước các tên tuổi lớn hoặc các nhà đầu tư tiếng tăm, dù họ chưa chắc đã phù hợp với mục tiêu và giá trị của công ty. Khi được chọn vào hội đồng quản trị, những người này nghĩ rằng, họ đủ vị thế, kinh nghiệm để can thiệp chuyên sâu vào định hướng vận hành của Doanh nghiệp, từ đó tạo ra mẫu thuẫn với đội ngũ quản lý và vận hành trong Doanh nghiệp. Chưa kể, họ cũng không giúp cho CEO phát triển, mà còn khiến CEO phải giải quyết thêm những rắc rối không mong muốn.
Cũng có trường hợp, thành viên hội đồng quản trị được quỹ đầu tư chỉ định và Doanh nghiệp phải trả một khoản lương khá cao, nhưng lại không định hướng đúng đường đi cho Doanh nghiệp. Những người này chỉ có các kỹ năng phân tích số liệu khô khan, trong khi thiếu kinh nghiệm thực tế về vận hành, quản trị, tầm nhìn. Hoặc các định hướng do họ đưa ra đã từng thành công ở Doanh nghiệp này, không có nghĩa sẽ thành công ở Doanh nghiệp khác, dẫn tới việc điều hướng Doanh nghiệp tập trung vào những vấn đề không quan trọng.
Có thể nói, chọn người vào hội đồng quản trị là một quyết định mang tính chiến lược. Mỗi thành viên trong hội đồng cần là một người đồng hành thực sự với Doanh nghiệp, cùng Doanh nghiệp chia sẻ vấn đề và góp phần vào hành trình phát triển của công ty.
Đặc biệt, các nhà sáng lập cũng nên duy trì sự linh hoạt trong việc điều chỉnh cơ cấu hội đồng quản trị. Nếu thành viên ngồi trong hội đồng không đóng góp được nhiều, hãy mạnh dạn thay thế, dù đó là người của quỹ đầu tư rót vốn vào Doanh nghiệp.
(Nguồn: Báo Đầu tư và tổng hợp từ kinh nghiệm thực chiến của CIIC)
CIIC cung cấp gói Cố vấn Hội đồng quản trị và/hoặc Thành viên Hội đồng quản trị độc lập, offline hoặc online, với chi phí từ 5 triệu đồng/tháng. Hotline: 0983000801