BCTC doanh nghiệp quan trọng nhất là Balance Sheet, hãy soi thật kỹ báo cáo này. Nếu chỉ nhìn vào PnL và ra quyết định, sẽ dẫn tới mắc rất nhiều sai lầm.
Từ BS, có thể tìm được các "viên ngọc trong đá" - doanh nghiệp có những tài sản có thể tạo ra rất nhiều tiền trong tương lai nhưng đang bị tạm ém lại bằng kỹ thuật này hay kỹ thuật khác.
Với doanh nghiệp, THANH KHOẢN là quan trọng nhất. Kể cả đó có là Ngân hàng top 5, 10, 20, 50 của US hay EU hay Thụy sĩ.
Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp ngành nước vẫn có thể sống tốt, vì dòng tiền vào của họ rất đều, giúp đảm bảo thanh khoản và thậm chí có dòng tiền chiếm dụng để đem đi đầu tư, MnA
................
Hạch toán công ty liên doanh, liên kết: “Chiêu bài” giấu lãi - lỗ
Vì nhiều mục đích khác nhau, doanh nghiệp niêm yết có thể trì hoãn/ghi nhận sớm một chi phí/doanh thu hoặc thay đổi phương pháp hạch toán tại công ty liên doanh, liên kết. Việc này có dấu hiệu lặp lại trong năm 2022 tại Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một và Licogi 14.
Công ty Nước Thủ Dầu Một có thể đang thực hiện kế hoạch M&A qua “cánh tay nối dài”
Nước Thủ Dầu Một “giấu lãi”?
Tính tới 31/12/2022, Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một đang sở hữu 37,42% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) và ghi nhận đầu tư vào công ty liên kết.
Là cổ đông lớn nhất tại Biwase, nhưng kể từ khi Biwase niêm yết (năm 2017) tới nay, Nước Thủ Dầu Một vẫn chưa hợp nhất kết quả kinh doanh của Biwase vào báo cáo của Công ty và tiếp tục ghi nhận theo giá gốc.
Trên nguyên tắc, đối với khoản đầu tư vào công ty liên kết, doanh nghiệp có 2 cách ghi nhận: ghi nhận theo giá gốc, hoặc ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
Đối với phương pháp ghi nhận theo giá gốc, phần lãi/lỗ của công ty liên doanh, liên kết sẽ không ảnh hưởng tới báo cáo hợp nhất trên báo cáo kết quả kinh doanh khi giá trị khoản đầu tư vẫn trên 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngược lại, nếu ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu, lãi/lỗ trong kỳ báo cáo phải ngay lập tức phản ánh vào báo cáo hợp nhất theo tỷ lệ sở hữu tương ứng.
Quay trở lại trường hợp của Nước Thủ Dầu Một, do ghi nhận đầu tư vào Biwase theo phương pháp giá gốc, nên lợi nhuận không được hợp nhất. Nếu hợp nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu, thì tương ứng sẽ tăng thêm lợi nhuận năm 2019 là 183,4 tỷ đồng, năm 2020 là 206,1 tỷ đồng, năm 2021 là 280,1 tỷ đồng và năm 2022 là 278 tỷ đồng.
Như vậy, nếu hợp nhất, ước tính riêng lợi nhuận của Biwase đã đóng góp khoảng 50% tổng lợi nhuận của Nước Thủ Dầu Một hằng năm, lũy kế lợi nhuận sau hợp nhất có thể vượt cả doanh thu. Được biết, doanh thu của Nước Thủ Dầu Một năm 2021 là 417 tỷ đồng, năm 2022 là 478,9 tỷ đồng.
Trong một động thái liên quan, từ đầu năm tới nay, Biwase liên tục thông báo kế hoạch mua bán - sáp nhập (M&A) các công ty cấp nước để mở rộng địa bàn kinh doanh ra ngoài tỉnh Bình Dương. Các công ty trong “tầm ngắm” M&A của Biwase gồm: Công ty Cấp nước Long An, Công ty Đầu tư hạ tầng nước DNP Long An, Công ty Công trình đô thị Châu Thành, Công ty Công trình đô thị Cần Giuộc, Công ty Nước và Môi trường Bằng Tâm, Công ty Đầu tư hạ tầng nước DNP Quảng Bình.
Giới quan sát cho rằng, Biwase chính là “cánh tay nối dài”, thay mặt Nước Thủ Dầu Một thực hiện kế hoạch M&A. Bởi vậy, việc không hợp nhất ở thời điểm hiện tại có thể giúp Nước Thủ Dầu Một ít gây chú ý. Tuy nhiên, khi hệ sinh thái đủ lớn và chi phối, Nước Thủ Dầu Một nhiều khả năng sẽ sớm bộc lộ rõ tham vọng của mình.
Licogi 14 “giấu lỗ”?
Nếu như Nước Thủ Dầu Một đang thực hiện chiến lược “ẩn mình”, thì Licogi 14 lại là câu chuyện có chiều hướng ngược lại.
Giai đoạn thị trường thuận lợi, Licogi 14 có kế hoạch đưa công ty liên kết của mình là Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14 (LFI) lên sàn chứng khoán.
Việc dùng hầu hết tài sản để đầu tư vào chứng khoán đã khiến Licogi 14 gặp khó khi cổ phiếu lao dốc. Để “giấu” đi khoản lỗ do đầu tư cổ phiếu, Licogi 14 đã thay đổi phương pháp hạch toán tại LFI.
Cụ thể, đầu năm 2022, Licogi 14 sở hữu 51% và ghi nhận đầu tư vào công ty con, nhưng cuối năm 2022 chỉ còn sở hữu 48,57% và ghi nhận đầu tư vào công ty liên kết LFI. Nguyên nhân chủ yếu do LFI thực hiện tăng vốn điều lệ từ 110 tỷ đồng lên 404,25 tỷ đồng (phát hành 0,55 triệu cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 5%, trả cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 250% từ nguồn vốn của Công ty).
Việc phát hành cổ phiếu ESOP là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ sở hữu của Licogi 14 tại LFI giảm từ 51% về 48,57% và chính thức chuyển LFI từ công ty con sang công ty liên kết trong báo cáo bán niên năm 2022.
Trước khi thay đổi cách hạch toán LFI, Licogi 14 cho biết, báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 lỗ 234,36 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do trích lập 379,56 tỷ đồng đầu tư chứng khoán trong danh mục 688,51 tỷ đồng (tạm lỗ 55,1% tổng danh mục). Licogi 14 không thuyết minh, nhưng nhà đầu tư đều biết rằng, đầu năm 2022, danh mục đầu tư chủ yếu của Công ty là cổ phiếu CEO (61,3% tổng danh mục) và DIG (38,7% tổng danh mục).
Tuy nhiên, bằng việc thay đổi cách hạch toán LFI, thực hiện ghi nhận bằng phương pháp vốn gốc đối với công ty liên kết, Licogi 14 đã chuyển từ lỗ 234,36 tỷ đồng sang lỗ 23,73 tỷ đồng, giảm lỗ tới 210,63 tỷ đồng, do không phải hợp nhất LFI vào Licogi 14.
Thực tế, tính từ sau khi thay đổi hạch toán (từ ngày 1/7 đến 30/12/2022), giá cổ phiếu CEO tiếp tục giảm 36,4%; cổ phiếu DIG giảm 52,2%. Nếu không cắt lỗ, tiếp tục nắm danh mục cổ phiếu CEO và DIG, thì trong 6 tháng cuối năm 2022, mức lỗ của Licogi 14 có thể còn lớn hơn nhiều so với mức lỗ đã trích lập 379,56 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Có thể thấy, việc hạch toán công ty liên doanh, liên kết bằng phương pháp vốn gốc hay vốn chủ sở hữu ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh hợp nhất của doanh nghiệp niêm yết. Vì vậy, nhà đầu tư cần lưu ý thêm cách hạch toán của doanh nghiệp để hiểu rõ hơn về nghiệp vụ kế toán mà doanh nghiệp đang sử dụng, từ đó có thể nhìn rõ bản chất và “sức khỏe” tài chính thực sự của doanh nghiệp.
(ref: https://amp.baodautu.vn/hach-toan-cong-ty-lien-doanh-lien...)
AMP.BAODAUTU.VN
Hạch toán công ty liên doanh, liên kết: “Chiêu bài” giấu lãi - lỗ